Phát triển Ngành cơ khí Máy Xây dựng Việt Nam: Cần quy hoạch và cơ chế
Trung bình mỗi năm Việt Nam phải chi 3 đến 4 tỷ USD để nhập khẩu các loại máy xây dựng từ các nước trên thế giới. Có tới 150.000 nhà thầu xây dựng trong đó có khoảng 2.000 nhà thầu lớn và vừa đang hoạt động với hàng nghìn công trình lớn trên mọi miền đất
Phát triển Ngành cơ khí Máy Xây dựng Việt Nam:
Cần quy hoạch và cơ chế
Trung bình mỗi năm Việt Nam phải chi 3 đến 4 tỷ USD để nhập khẩu các loại máy xây dựng từ các nước trên thế giới. Có tới 150.000 nhà thầu xây dựng trong đó có khoảng 2.000 nhà thầu lớn và vừa đang hoạt động với hàng nghìn công trình lớn trên mọi miền đất nứơc được thi công nhưng tìm mỏi mắt trong báo cáo 10 năm hoạt động của Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI) không hề thấy một đơn vị nào sản xuất máy xây dựng ngoại vỏn vẹn hai máy xúc EKG-10 và máy combai đào lò xúc lật VMC-500 nhưng lại là sản phâm của cơ khí ngành than.
Một thị trường sôi động được đánh giá rất tiềm năng thu hút các các nước ngoài trong khi các nhà quản lý và doanh nghiệp trong nước tự tin với năng lực, chất xám mà vẫn loay hoay với vấn đề quy hoạch phát triển, cơ chế và nguồn vốn từ hàng chục năm nay…Một sự lãng phí lớn về ngoại tệ và hơn nữa là các doanh nghiệp cơ khí xây dựng Việt Nam vẫn chưa có cơ hội để lớn lên!
Thiên đường của máy xây dựng Nhập khẩu
Cơ khí máy xây dựng là nhóm ngành sản xuất máy móc hạng nặng phục vụ trong xây dựng cơ bản. Có thể chia máy xây dựng thành các nhóm chính như: nhóm máy nâng, nhóm máy làm đất, nhóm máy gia cố nền móng, nhóm máy sản xuất vật liệu và cấu kiện xây dựng, máy thiết bị chuyên dụng, nhóm máy làm đường, nhóm máy cẩu tháp, cần trục, nhóm máy thiết bị hoàn thiện…Đặc điểm chung của các máy này có cấu tạo phần cơ và phần điện, kích thước lớn, khối lượng thép rất nặng, phí vận chuyển cao nên giá thành ít nhất vài tỷ đồng trở lên, thậm chí có máy móc lên đến vài chục tỷ đồng.
Theo ông Vũ Khoa – Chủ tịch Hiệp Hội nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết: Do ngành cơ khí trong nước chưa sản xuất được nên các nhà thầu trang bị máy móc phải nhập khẩu từ nước ngoài. Cụ thể như nhập cần trục của Pháp, máy đào máy ủi của Italia, Đức, Anh, máy làm gạch block của Tây Ban Nha, máy xúc lật của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…Không những thế, khi nhập máy móc về còn phải thuê chuyên gia với mức lương vài chục nghìn USD mỗi tháng vận hành và phí bảo trì bảo dưỡng, sửa chữa rất cao do phải mua phụ tùng thay thế của chính hãng và nhiều khi vì tiết kiệm và thiếu kinh nghiệm nhà thầu còn có thể bị lừa mua phải máy đã bị thay thế phụ kiện, máy cũ sơn mới lại…
Có thể nhận thấy nhu cầu mua bán máy nhập khẩu nhộn nhịp tại các tỉnh, Tp có nền công nghiệp phát triển như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương…hàng loạt các bãi bán máy xây dựng mọc lên. Mặc dù chưa có thống kê chính xác nhưng ước tính của giám đốc một doanh nghiệp, có khoảng 500 đơn vị tham gia nhập khẩu mặt hàng này.
Thực trạng sản xuất trong nước
Trong quyết định số 186/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 quy định chi tiết định hướng chiến lược của một số ngành và nhóm sản phẩm cơ khí quan trọng (về mục tiêu, về công xuất, về yêu cầu nội địa hoá…). Riêng với ngành cơ khí quan trọng cũng được xếp vào nhóm quan trọng nhưng định hướng chỉ chung chung có 4 dòng “Đầu tư chiều sâu, đầu tư mới các cơ sở chế tạo máy xây dựng với thiết bị và công nghệ hiện đại đáp ứng cơ bản nhu câùu sản xuất: vật liệu xây dựng, thi công xây lắp các công trình lớn, các công trình đô thị và nông thôn. Phát huy lợi thế đối với lĩnh vực sản xuất kết cấu kim loại trong xây dựng và các dự án công nghiệp, tập trung chế tạo các thiết bị máy xây dựng có độ phức tạp cao, hiện đại mà thị trường trong nước và ngoài nước có nhu cầu’.
Đi vào thực tiễn đến nay trong số 24 dự án được CP phê duyệt mới chỉ có 3 dự án đầu tư nâng cao năng lực sản xuất được triển khai vay vốn ưu đãi là: Dự án đầu tư nâng cao năng lực sản xuất của Cty Cơ khí Hà Nội (110 tỷ đồng); dự án thiết bị nâng hạ của Xí nghiệp cơ khí Quang Trung (Ninh Bình) có số vốn đầu tư là 282 tỷ đồng; dự án thiết bị nâng của Tcty Cơ khí Xây dựng được vay vốn 6,082 tỷ đồng đang triển khai mới xây dựng xong nhà xưởng ước thực hiện được khối lượng công việc đạt 24 tỷ đồng. Đây là những số liệu hết sức khiêm tốn chưa đủ hình thành nét phác hoạ cơ bản của bức tranh ngành cơ khí xây dựng Việt Nam.
Các giải pháp để phát triển
Theo đề nghị của Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, để các nhà sản xuất trong nước có thể phát triển sản xuất, trước hết cần có quy hoạch định hướng cụ thể chi tiết cho ngành. Chính phủ ưu tiên cho các nhà thầu trong nước được làm tổng thầu EPC, quy định chi tiết tỷ lệ thiết bị máy móc nội địa được sử dụng trong thi công. Các nhà thầu trong nước cần phải liên danh liên kết với nhau, tổ chức phân công sản xuất từng hạng mục sản phẩm thay thế hàng nhập ngoại. Do công nghệ và trình độ của cơ khí máy xây dựng nước ta trong tình trạng tụt hậu nên các doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn hình thức liên doanh với đối tác nước ngoài để tiếp nhận và sử dụng thành tựu công nghệ hiện đại nhất. Bên canh đó, cần chú trọng đến công tác nghiên cứu và đào tạo, thành lập trung tâm chuyên môn, viện nghiên cứu, phòng nghiên cứu trọng điểm... Nhà nước cũng cần hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ mua bản quyền, ưu tiên dự án công nghệ cao…
Vấn đề quan trọng nhất là chính sách ưu đãi ưu tiên sử dụng máy xây dựng trong nước đạt chất lượng, giảm nhập siêu, giảm thuế nhập khẩu sắt thép, giảm thuế VAT cho các sản phẩm máy xây dựng dưới 5 %. Thuế nhập khẩu máy xây dựng hiện nay là 0% , cần phải thay đổi đánh thuế nhập khẩu cao hơn cho mặt hàng này.
Ông Hoàng Chí Cường – Tổng giám đốc, Tcty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) cho rằng: Đầu tư sản xuất máy thiết bị xây dựng cần nguồn vốn rất lớn, nếu để tự doanh nghiệp xoay sở thì không thể thực hiện được. Các dự án sản xuất cơ khí máy xây dựng trọng điểm cần được vay vốn đầu tư tài sản cố định từ nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước với lãi xuất ưu đãi đặc biệt giảm thuế và hỗ trợ vay lãi xuất thấp với đơn vị có dự án đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất theo hướng hiện đại hoá, tiết kiệm năng lượng và giảm ô nhiễm môi trường. Nhà nước bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn nước ngoài hay vón lưu động cho các dự án cần vốn lớn, chu kỳ sản xuất dài. Và cuối cùng, Nhà nước và Chính phủ cùng các bộ ngành cần kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất máy xây dựng trong quá trình xúc tiến thương mại, quảng bá cơ hội đầu tư tại các sự kiện triển lãm, các diễn đàn trong khu vực và quốc tế.
Trích nguồn: http://www.coma.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét